Gia đình Thutmosis III

Chỉ một vài thế hệ trước đời Thutmosis III, cả một vùng rộng lớn ở Hạ Ai Cập đã bị một tộc người di cư từ vùng Cận ĐôngHyksos (Heka-chasut - nghĩa là: "những thống trị ngoại bang") đô hộ. Cuối cùng, một gia đình quý tộc lâu đời được gọi là "Amosis" đến từ Thebes đã đánh đuổi quân xâm lược Hyksos ra khỏi Ai Cập vào cuối thời Vương triều thứ mười bảy. Sau khi các pharaon Seqenenre TaoKamose đã cho triển khai nhiều cuộc viễn chinh chống lại người Hyksos, pharaon Kamose đã đánh chiếm được kinh đô Auaris khiến người Hyksos phải rút lui. Sau thắng lợi đó, ông đã thành lập nên Tân Vương quốc. Có suy luận cho rằng Tetisheri, bà nội của Ahmose, và Ahhotep I, mẹ của Ahmose, đều có những đóng góp không nhỏ trong việc thống nhất vương quốc.

Con trai của Ahmose và Chính hậu Ahmose Nefertari lên nối ngôi kế vị sau cái chết của cha. Amenophis và mẹ của ông được người đương thời và đặc biệt là trong thời kỳ Ramessid đặc biệt tôn trọng và thần thánh hoá và được tôn thờ làm thánh quan thầy của những thợ xây mộ ở Set-maat, Deir el-Medina ngày nay. Amenophis I có lẽ không có con trai nối dõi.[3] Sau khi ông mất, Thutmosis I, một người có xuất xứ bí ẩn, trở thành pharaon của Ai Cập. Thutmosis I có thể trở thành pharaon của Ai Cập là nhờ vào cuộc hôn nhân với một người con gái của pharaon Amenophis I là công chúa Ahmose.[4] Cùng với Thutmosis I, Vương triều thứ mười tám, hay còn gọi là nhà Thutmosis, bắt đầu. Sử gia Manetho đánh dấu sự bắt đầu của Vương triều thứ 18 dưới vương triều của Ahmose mặc dù về mặt phả hệ, Ahmose và Amenophis I lại thuộc về Vương triều thứ Mười chín.

Thutmosis II, cha của Thutmosis III

Ahmose sinh hạ cho pharaon Thutmosis I một người con gái tên là Hatshepsut trong khi thái tử Thutmosis II lại là con trai của một thứ phi tên là Mutnofret. Chị gái cùng cha khác mẹ Hatsheput về sau đã trở thành Chính hậu của Thutmosis II. Cuộc hôn nhân này có thể được thực hiện nhằm bảo tồn "sự tinh khiết của dòng máu". Một trong những kết quả của cuộc hôn nhân này là Đích nữ Neferure. Tuy nhiên, Thutmosis III lại là con của một thứ phi tên là Isis. Isis có lẽ xuất thân từ một gia đình quý tộc và có quan hệ mật thiết với hoàng tộc. Theo suy nghĩ của Angelika Tulhoff, Isis đã được nhà vua nhận vào hậu cung.[5]

Tranh vẽ Thutmosis III cùng gia quyến trong lăng mộ ký hiệu KV34: Phía trên: Thutmosis III cùng mẫu hậu Isis trên thuyền chèo. Dưới: Thutmosis III được mẹ (được vẽ là cây) cho bú. Cạnh bên: Thutmosis III cùng các người vợ Hatshepsut-Merytre, Satiah, Nebtu và con gái Nefertari.
Mô tả: Ở bên cạnh Thái hậu Isis là Hoàng hậu Hatshepsut-Merytre, cả hai đều còn sống trong khoảng thời gian này. Ở phía sau họ là Hoàng hậu Satiah được ghi chú là "Maa-cheru", tức là đã mất. Ở phía sau Satiah là thứ phi Nebtu. Nebtu có lẽ là một người phụ nữ giàu có và có ảnh hưởng vì bà có một quản gia riêng. Ngoài ra, trên cây cột này còn có vẽ hình công chúa Nefertari và cũng được ghi chú là "Maa-cheru".[6]

Chính cung hoàng hậu của Thutmosis III là Satiah, con gái của bà vú hoàng gia tên là Ipu. Có lẽ người con đầu tiên được phong làm thái tử Amenemhat là con của Satiah.[7] Năm thứ 24 triều Thutmosis III, Amenemhat được gọi là đích tử của pharaon và theo như chữ khắc trong một ngôi đền ở Karnak thì ông đã được phong tước hiệu "Người cai quản đàn bò của thần Amun".[8] Vào thời điểm này, Satiah vẫn còn là chính hậu của Thutmosis III. Ngoài Amenemhat, bà còn sinh ra cho ông một vài người con khác như một công chúa tên là Nefertari, một người con trai khác tên là Sa-Amun. Thái tử Amenemhat mất trong khoảng thời gian giữa những năm thứ 24 và 35. Hoàng hậu Satiah có lẽ cũng đã mất sớm bởi vì sau năm thứ 33, tên của bà không còn được đề cập đến giống y như người con trai thứ Sa-Amun. Sau đó, pharaon Thutmosis III kết hôn với một "dân nữ bình thường" tên là Hatshepsut-Meryetre và phong bà làm chính cung. Bà sinh ra cho ông người kế nhiệm Amenophis II cũng như hai cô công chúa tên là Merit-Amun và Tija. Theo như chữ khắc trên một đồ trang sức hình bọ hung, Thutmosis III còn có một người con gái khác với một bà vợ thứ.

Hoàng hậu Hatshepsut-Merytre (phải) bên cạnh Thutmosis III

3 bà thứ của Thutmosis có tên là Manhat, Mahnta và Manawa và được biết đến qua ngôi mộ chung ở ngôi làng nhỏ Wadi Quabbabat el-Qurud ở phía Tây Thebes. Bởi vì cả ba bà đều có tên xa lạ cũng như có ngữ âm khác biệt nên có thể xác định họ là những người phụ nữ đến từ Syria. Khu lăng mộ của ba bà được biết nhờ số lượng lớn trang sức, đồ mỹ phẩm cũng đĩa quý được phát hiện. Không rõ họ được an táng khi nào cho dù có nhiều dẫn chững cho thấy có thể họ đã được chôn cất vào những năm mà Thutmosis III còn rất trẻ. Nhà nghiên cứu Angelika Tulhoff cho rằng là cả ba người đều đã được tuyển vào cung khi mà Thutmosis II còn tại vị và tiếp tục được Thutmosis III thu nhận sau khi ông nối ngôi kế nghiệp cha.[9]

Vương miện khai quật được từ lăng mộ từ ba người vợ người Syria

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thutmosis III http://www.egyptologyonline.com/tuthmosis_iii.htm http://www.jtsa.edu/Documents/pagedocs/JANES/1970-... http://hal-univ-diderot.archives-ouvertes.fr/docs/... http://id.loc.gov/authorities/names/n82094436 http://d-nb.info/gnd/118642804 http://hdl.handle.net/2027/mdp.39015080713491 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000081958691 http://www.archaeowiki.org/Thutmose_III http://www.etana.org/sites/default/files/coretexts... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0009-606...